Du lịch không rác thải nhựa

Rác thải nhựa đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Hạn chế, giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường, gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên cho những điểm du lịch đang trở thành thông điệp được các địa phương trong toàn quốc tích cực hưởng ứng. Tại Quảng Ninh, thời gian qua, các phong trào, hoạt động chống rác thải nhựa tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm lan tỏa đến người dân, du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi chuyến hành trình du lịch. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch Quảng Ninh phát triển bền vững.

Vì một vịnh Hạ Long mãi xanh

Trong chuyến tham quan vịnh Hạ Long lần này, anh Phạm Văn Hải (Hà Nội) đã không mua sẵn các loại chai nước đóng chai nhựa, đồ ăn vặt được đựng trong hộp xốp, vỏ ni lông như chuyến du lịch dịp trước vào năm 2019, vì đã nắm được quy định không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động tham quan, du lịch trên vịnh Hạ Long.

Anh Phạm Văn Hải chia sẻ: Sau hai năm ảnh hưởng của dịch, lần này gia đình tôi lại có dịp trở lại với vịnh Hạ Long xinh đẹp. Vì đã được tuyên truyền về việc không mang các sản phẩm nhựa dùng một lần xuống tàu, và các điểm tham quan trên vịnh nên lần này tôi chủ động nhắc nhở gia đình từ trước. Quả thật, trong lần trở lại này, công tác chống rác thải nhựa vẫn được đơn vị quản lý cảng tàu, chủ tàu thực hiện khá nghiêm túc. Ngoài các bảng biển tuyên truyền đặt tại nhiều vị trí, ngay từ cửa soát vé xuống tàu tại cảng, các đoàn khách đều được nhắc nhở chi tiết. Khi mỗi du khách đều nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thì chắc chắn vịnh Hạ Long sẽ mãi xanh.

Các tàu du lịch đã chuyển sang sử dụng nước lọc trong các chai thuỷ tinh thay vì chai nhựa trong chương trình "Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa".

Để có được chuyển biến tích cực đó, từ tháng 9/2019, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã triển khai chương trình giảm thiểu rác thải nhựa tại khu vực vịnh Hạ Long với nội dung “Không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh Hạ Long”. Chương trình đã nhận được sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của đa số doanh nghiệp, người dân, khách du lịch, các hãng lữ hành, chủ tàu du lịch... Đã có 204 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch, 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản đã ký cam kết với Ban Quản lý vịnh Hạ Long không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long.

Sau 3 năm thực hiện, chương trình đã góp phần làm giảm 90% rác thải nhựa dùng một lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên vịnh, các điểm dịch vụ trên vịnh cơ bản không còn kinh doanh các sản phẩm từ nhựa dùng một lần, phần lớn các tàu du lịch, khách tham quan đều tuân thủ quy định không mang và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần khi tham quan vịnh Hạ Long. Đồng thời, giảm 94% lượng phao xốp trên các công trình nổi của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch trên vịnh... Chương trình cũng đã nhận được sự đánh giá cao của chuyên gia từ các tổ chức quốc tế UNESCO, IUCN.

Túi ni lông tự hủy sinh học cũng dần được các cơ sở kinh doanh dịch vụ sử dụng thay cho túi ni lông thông thường. Ảnh: Đoàn kiểm tra của BQL vịnh Hạ Long và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long kiểm tra một cơ sở kinh doanh dịch vụ tại Cảng.

Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khi du lịch phục hồi trở lại, Ban Quản lý vịnh Hạ Long nhanh chóng bắt tay, khởi động chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” triển khai từ ngày 1/9 tại Khu vực Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các cảng, bến du lịch. Từ đây, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường du lịch Quảng Ninh nói chung và vịnh Hạ Long nói riêng.

Ông Nguyễn Trung Hậu, Phó Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho biết: Để chương trình được triển khai sâu rộng, tiếp tục phát huy hiệu quả, Ban Quản lý vịnh Hạ Long quyết liệt triển khai đồng loạt các giải pháp cụ thể: Đề nghị các tổ chức, cá nhân đang có hoạt động du lịch, dịch vụ trên vịnh cam kết không sử dụng mua bán các sản phẩm từ nhựa dùng một lần, đồng thời phải thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Các chủ tàu du lịch tuyên truyền phổ biến cho khách du lịch không mang theo các sản phẩm từ nhựa dùng một lần xuống tàu và sử dụng trong quá trình tham quan vịnh; có biện pháp từ chối vận chuyển đối với các trường hợp khách du lịch cố tình không chấp hành quy định nêu trên. Đặc biệt, Ban Quản lý vịnh sẽ xem xét tạm ngừng hợp đồng hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ trên vịnh Hạ Long nếu cố tình vi phạm nội dung chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc thay thế phao xốp trong các công trình nổi trên vịnh.

Nỗ lực không ngừng

Nhận thức được tác hại của rác thải nhựa từ thói quen sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần như: Ống hút, thìa, đĩa nhựa... việc loại bỏ túi ni lông khỏi thói quen sinh hoạt hàng ngày đã được nhân rộng tại nhiều địa phương của tỉnh, trở thành phong trào thi đua được các tổ chức đoàn thể và đông đảo tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Nổi bật, huyện Cô Tô đã tiếp tục triển khai áp dụng quy định “Du khách không mang chai nhựa, túi ni lông, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi đi khu lịch trên đảo” từ ngày 1/9/2022.

Từ những sợi nhựa đã qua sử dụng, phụ nữ khu 5B, phường Quang Trung (TP Uông Bí) đã tạo ra những sản phẩm nhiều tiện ích.

Từ những sợi nhựa đã qua sử dụng, phụ nữ khu 5B, phường Quang Trung (TP Uông Bí) đã tạo ra những sản phẩm nhiều tiện ích. Ảnh: Thanh Bình

Cùng với đó, thực hiện phong trào phụ nữ bảo vệ môi trường, các cấp hội cũng tổ chức hàng trăm buổi tập huấn, truyền thông, tọa đàm gồm nhiều nội dung thiết thực liên quan đến bảo vệ môi trường. Đặc biệt, thông qua phong trào “Nói không với rác thải nhựa” gắn với mô hình “Biến rác thành tiền”, 100% các hội liên hiệp phụ nữ cấp xã, phường trên địa bàn tỉnh đã vận động hội viên, phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại rác thải đúng cách, đồng thời tích cực sáng tạo, tái chế rác thải nhựa thành những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tiêu biểu như: Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hạ Long triển khai mô hình “Làm sản phẩm từ rác thải tái chế” (túi xách, chổi bằng dây buộc vật liệu xây dựng); “Làm gạch sinh thái” từ chai nhựa; “Sản xuất phân vi sinh” tận dụng tái chế từ nguồn rác hữu cơ đồng ruộng và rác thải hữu cơ sinh hoạt... Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cẩm Phả triển khai mô hình “Vận động hội viên dùng làn đi chợ”, “Làm thùng rác tái chế” với 6.200 thùng rác tái chế được đưa vào sử dụng trong các gia đình.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện năm 2022, BTV Đoàn Khối tổ chức Ra quân Chiến dịch mùa hè xanh. Tại buổi ra quân, gần 100 đoàn viên thanh niên đến từ các cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Khối, Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Quan Lạn, đoàn viên thanh niên Xã Minh Châu đã tham gia chiến dịch Hãy làm sạch biển, thu gom rác thải tại Bãi biển Minh Châu.

 ĐVTN Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quan Lạn, ĐVTN xã Minh Châu tham gia chiến dịch "Hãy làm sạch biển", thu gom rác thải tại bãi biển Minh Châu (Vân Đồn).

Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn tiếp tục duy trì đều đặn chiến dịch “Hãy làm sạch biển” hàng tháng. Đặc biệt, năm 2021, Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức cuộc thi “Ý tưởng, sáng kiến, giải pháp về phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa” tỉnh Quảng Ninh. Cuộc thi không chỉ tuyên truyền, nâng cao kiến thức và thay đổi hành vi của người dân nhằm giảm thiểu rác thải nhựa mà đã khơi nguồn sáng tạo của người dân, sinh viên, doanh nghiệp trong đề xuất ý tưởng, sáng kiến, giải pháp về phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa hiệu quả, có tính ứng dụng cao.

Bằng nhiều cách làm khác nhau song tin tưởng với sự tự giác thay đổi về nhận thức, hành động của mỗi cá nhân trong hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung sẽ là điều kiện tiên quyết để môi trường tự nhiên trên địa bàn tỉnh luôn xanh, sạch, đẹp, sớm đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến du lịch không rác thải nhựa.

Ý kiến người trong cuộc

Đồng chí Lê Tuấn Vũ, Bí thư Thành Đoàn Hạ Long: “Phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của thanh niên”

Hạ Long không chỉ là thành phố thủ phủ của tỉnh mà còn là địa phương trọng điểm về phát triển du lịch của Quảng Ninh và Việt Nam. Vì vậy, trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, nhất là môi trường tại các điểm đến du lịch luôn được coi trọng. Phát huy vai trò, tinh thần xung kích, tuổi trẻ thành phố luôn hăng hái tham gia, đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc giảm thiểu rác thải nhựa tại các điểm du lịch.

Định kỳ hàng tháng các đơn vị đoàn duy trì ra quân chiến dịch “Hãy làm sạch biển” tại các bãi biển trong toàn thành phố. Đồng thời, thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh môi trường, trồng cây, trồng hoa làm đẹp cảnh quan đô thị; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các cuộc thi về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, ứng phó với biến đổi khí hậu; ra quân tháo dỡ biển quảng cáo, băng zôn sai quy định... Qua đó, thiết thực góp phần gìn giữ cho Hạ Long - Quảng Ninh luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, luôn là điểm đếm an toàn, thân thiện với du khách bốn phương.

Đồng chí Trần Thị Thoan, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Liêu: “Triển khai hiệu quả các mô hình phụ nữ trong phong trào chống rác thải nhựa”
Năm 2022, huyện Bình Liêu phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Song tiêu chí môi trường đang là tiêu chí còn gặp nhiều khó khăn cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp, ngành, địa phương của huyện. Vì vậy, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ Bình Liêu đã tích cực triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường đặc biệt là các mô hình hiệu quả trong phong trào chống rác thải nhựa.

Từ đầu năm đến nay, toàn Hội đã thành lập 17 mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn; duy trì hiệu quả các mô hình “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), “Chi hội phụ nữ sống xanh”, “Biến rác thành tiền”; vận động các gia đình xây hố ủ phân hữu cơ... Vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vừa cầm tay chỉ việc, các hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện đặc biệt là chị em đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao đã dần thay đổi nhận thức, từng bước tự giác thu gom rác, xử lý rác thải đúng cách, góp phần giữ vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ.

Bà Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Công ty CP Ngọc trai Hạ Long: “Luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long lên hàng đầu”

Điểm nuôi cấy ngọc trai trên vịnh Hạ Long của chúng tôi được phát triển thành điểm du lịch giới thiệu, bán sản phẩm ngọc trai Hạ Long gắn với du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi đã xây dựng vùng nuôi trồng ngọc trai trên lồng bè với hình thức bán thâm canh (hơn 23ha mặt nước), tuyệt đối không sử dụng các vật liệu phao xốp hoặc các vật liệu ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường. Du khách đến tham quan điểm du lịch cũng được nhân viên Công ty tuyên truyền về việc giữ vệ sinh môi trường vịnh Hạ Long.

Hy vọng, các đơn vị, doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long sẽ tiếp tục đồng lòng, chung sức bảo vệ tốt môi trường vịnh cũng chính là bảo vệ nền tảng quan trọng cho sự phát triển của đơn vị mình.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, du khách tỉnh Hải Dương: “Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, du khách”

Du lịch Quảng Ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ với đủ các khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng hiện đại. Vì vậy, tôi rất thích đi du lịch Quảng Ninh. Qua các điểm du lịch đã đặt chân tới, tôi thấy vấn đề vệ sinh môi trường được các địa phương thực hiện khá tốt. Ngay tại TP Hạ Long dọc các tuyến đường đều khá sạch sẽ, một số tuyến còn treo các biển tuyên truyền về chống rác thải nhựa, đi thăm vịnh Hạ Long cũng được đơn vị, chủ tàu tuyên truyền, nhắc nhở đầy đủ về việc không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong quá trình thăm vịnh.

Tôi nghĩ, để thay đổi nhận thức, hành động của người dân, du khách về bảo vệ môi trường du lịch nhất là chống rác thải nhựa hiện nay thì công tác tuyên truyền rất quan trọng. 

Nguyễn Dung

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 79