Tuyên truyền kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022)

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần quật cường, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh, cống hiến xương máu, sức lực trên các chiến trường. Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đối với đất nước, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

       Ngày 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022).

       Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị số 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” của cả nước,

       Ngày 27/7 hàng năm, là ngày kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

       Sau 75 năm thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng đã được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Theo đó các chế độ ưu đãi được thực hiện đa dạng gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như: hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế. Người có công tùy từng đối tượng có các chính sách chăm sóc đặc thù như: Chính sách trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình… và được chăm sóc với nhiều hình thức đa dạng như tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở y tế và các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.

       Đối với mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi, từ năm 1994 đến nay, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh gắn liền với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, theo đó chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đã qua nhiều lần điều chỉnh, từng bước khắc phục những hạn chế về mức, về nguyên tắc và phương thức điều chỉnh độc lập với chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phù hợp với điều kiện của ngân sách nhà nước, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người có công. Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi người có công năm 2012 là 1.110.000 đồng; từ năm 2019 đến nay mức chuẩn là 1.624.000 đồng (cao hơn mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng của cán bộ, công chức hiện nay). Hiện nay có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.

       Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống Nhân dân, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tạo cơ sở để thực hiện triển khai chi trả hỗ trợ kịp thời, đầy đủ cho 994.626 người có công với kinh phí khoảng 1.483 tỷ đồng.

       Những hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ được các tổ chức, cá nhân và đoàn thể đã và đang tổ chức các hoạt động chăm lo, tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ./.

       (Toàn văn Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022) của Ban Tuyên Giáo Trung ương).

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 60