Quảng Ninh: Nỗ lực bảo vệ môi trường biển vì một Hạ Long xanh

MTXD - Với sự tập trung lớn và là điểm đến hấp dẫn của các du khách, biển Quảng Ninh hàng ngày đang phải chịu áp lực của sự ô nhiễm. Bên cạnh đó, môi trường biển Quảng Ninh còn phải “gánh” rác thải từ hệ thống cống thu gom nước mưa của thành phố chung với thu gom nước thải sinh hoạt, khi mưa lớn thoát không kịp tràn ra biển mang theo rác và tình trạng xả rác bừa bãi tại các âu thuyền, bến bãi… chủ yếu là rác thải nhựa.

Mỗi năm, vịnh Hạ Long thu hút khoảng 3 triệu khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, từ đó góp phần tạo thêm việc làm và tạo nguồn thu cho ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị thì Vịnh Hạ Long đứng trước những thách thức không nhỏ về môi trường khi phải chịu những sức ép từ sự phát triển ồ ạt các đô thị ven bờ, các khu công nghiệp, dịch vụ, cảng biển và một phần từ ý thức của người dân. Bên cạnh đó, hơn 500 tàu thuyền du lịch và hàng trăm tàu vận tải khác hoạt động trên vịnh cũng tác động xấu tới chất lượng nước biển của vịnh.

Toàn bộ hệ thống tàu du lịch hoạt động trên Vịnh đã trang bị xong thiết bị phân ly dầu nước

Trong số các nguồn thải ra biển, có thể kể đầu tiên là nguồn thải từ hoạt động dân cư ven biển. Bên cạnh đó, nước thải phát sinh từ tàu biển và phương tiện hàng hải, nhà máy đóng mới - sửa chữa tàu biển, cảng biển, bãi và kho chứa hàng. Trong đó, nước thải công nghiệp tàu biển thường chứa hàm lượng cao dầu khoáng, hóa chất tẩy rửa và kim loại nặng đe dọa nghiêm trọng chất lượng nước biển khu vực tiếp nhận nước thải.

Theo ước tính của Dự án “Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa” (EPPIC) 2020 thì khu vực Vinh Hạ Long có đến 28.283 tấn chất thải nhựa được phát sinh ra mỗi năm, trong đó khoảng 5.272 tấn rác thải nhựa có thể bị rò rỉ ra đại dương; mỗi ngày phát sinh 34 tấn rác thải từ các hoạt động du lịch. Ngoài gây ô nhiễm môi trường nước, suy giảm các hệ sinh thái, rác thải nhựa trôi nổi cũng ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch của khu di sản.

Bởi vậy, nhiệm vụ bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm riêng của bất kỳ bộ, ban, ngành hay của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của doanh nghiệp, cộng đồng và quan trọng nhất là ý thức của mỗi người dân.

Mặc dù đã tăng cường công tác tuyên truyền cũng như tổ chức nhiều đợt ra quân thu gom rác thải, thế nhưng, hiện nay nhiều khu vực ven biển của Quảng Ninh đang bị ô nhiễm môi trường bởi thói quen vứt rác bừa bãi của người dân.

TP Hạ Long tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long

Ngoài ra, các sự cố tràn dầu đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các hệ sinh thái biển, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô. Đó còn là hàng chục ngàn cơ sở nuôi trồng thủy sản trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước thực hiện nuôi trồng tại các vùng cửa sông, cửa biển gây suy thoái hoặc giảm diện tích các hệ sinh thái. Việc sử dụng các hóa chất độc hại vào việc đánh bắt hải sản cũng làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm.

Thêm vào đó, các con sông đều đổ ra biển, kéo theo đó là nguồn ô nhiễm từ đất liền mang ra như chất thải công nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, rác, các loại phế thải, nước thải chưa được xử lý… Sự thiếu ý thức của du khách cùng các hoạt động dịch vụ du lịch biển chạy theo số đông càng khiến ô nhiễm biển thêm trầm trọng. Chỉ riêng ở vịnh Hạ Long, hơn 100 tấn rác mỗi tháng được thu gom, trong đó 70% là rác thải nhựa. Cá biệt, ngày cao điểm, có khoảng 10 tấn rác được thu gom từ vịnh đem vào bờ tiêu hủy, trong đó hầu hết là rác thải nhựa.

Người dân xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) thay thế phao xốp bằng phao nổi HDPE trong nuôi trồng thủy sản

Đã đến lúc không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, sự kêu gọi chung chung mà cần những cam kết có tính ràng buộc đi kèm mức xử phạt nghiêm minh, thích đáng cùng những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường biển một cách mạnh mẽ.

Trước thách thức lớn tác động đến môi trường sinh thái trên vịnh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, TP Hạ Long đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để bảo vệ môi trường vịnh. Một trong những giải pháp làm giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường nước trên Vịnh Hạ Long được TP Hạ Long triển khai tích cực trong thời gian qua, đó là việc lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước cho các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh. Đến nay, toàn bộ hệ thống tàu du lịch hoạt động trên Vịnh đã trang bị xong thiết bị phân ly dầu nước. Qua đó đã khắc phục triệt để tình trạng các tàu du lịch xả thải trực tiếp nước thải la canh nhiễm dầu chưa qua xử lý xuống vịnh Hạ Long.

Bên cạnh đó, TP Hạ Long cũng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tập trung vào các đối tượng: Ngư dân, những người tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội trên và ven bờ vịnh, khách du lịch; bố trí nhân lực, phương tiện để thu gom, xử lý rác thải tại các điểm tham quan, các khu dân cư làng chài trên vịnh và vận chuyển về bờ xử lý; tuyên truyền cho ngư dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế việc xả rác thải trực tiếp xuống biển. Mới đây, Ban Quản lý vịnh Hạ Long (TP Hạ Long) đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng nghiên cứu và lắp đặt các thùng rác nổi cỡ lớn trên vịnh Hạ Long, tập trung tại các khu vực có nhiều hoạt động của ngư dân như Bến cá chợ Hạ Long 1, Vung Viêng và Khu neo đậu tàu thuyền ven bờ khu vực cột 5. Những thùng rác này đã ngay lập tức phát huy tác dụng trong bảo vệ môi trường.

Cán bộ, người dân huyện Cô Tô cùng chung tay dọn rác thải tại khu vực bãi tắm Nam Hải (thị trấn Cô Tô).

Thực hiện chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, hằng năm Tỉnh Đoàn Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, dọn dẹp, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải trên các vùng biển, đặc biệt là trên Vịnh Hạ Long. Qua đó, thu hút đông đảo thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh tham gia cùng chung tay giữ gìn môi trường biển nói chung và môi trường Vịnh Hạ Long nói riêng.

Bên cạnh việc tổ chức chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, các đoàn cơ sở cũng thường xuyên tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp, vệ sinh bãi biển, thu gom rác thải, cắt cỏ đường ven biển, xóa bỏ điểm đen về rác thải khu vực ven biển Vịnh Hạ Long trong những ngày "Thứ bảy tình nguyện” và “Chủ nhật xanh”. Nhiều chi đoàn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tham gia phong trào “chống rác thải nhựa”, hạn chế dùng túi ni lông hoặc tổ chức hoạt động trồng rừng ngập mặn, thả giống thủy sản để bảo vệ hệ sinh thái biển...

Những hoạt động này của tuổi trẻ Quảng Ninh đã góp phần tích cực trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức cho các tầng lớp nhân dân, du khách, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch về ý thức bảo vệ môi trường biển, nhất là môi trường di sản, kỳ quan Vịnh Hạ Long.

Với các giải pháp tích cực trong bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng môi trường sinh thái của khu di sản thiên nhiên thế giới của TP Hạ Long, tin tưởng vịnh Hạ Long sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Hạ Long, Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch trong nước và quốc tế.

THU THUỶ-THẢO SÂM

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 571