Quản lý hiệu quả khoáng sản ở Quảng Ninh: Nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường

(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng khai thác than trái phép, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người dân vùng đồng bào DTTS ở các xã vùng cao

Đẩy mạnh công quản lý khoáng sản

Thành phố Hạ Long là một trong những địa phương có nhiều đơn vị khai thác khoáng sản than, đất, cát, đá phục vụ các ngành sản xuất, phát triển kinh tế của địa phương. Vì vậy, những năm qua, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin liên quan đến các hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh các loại khoáng sản trên địa bàn.

anh-qn-11(1).jpg
Lực lượng chức năng xã Tân Dân, TP.Hạ Long thường xuyên tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn

Hiện nay, trên địa bàn TP.Hạ Long, có 22/33 xã, phường đang có hoạt động khai thác khoáng sản như than, cát, đá, sét, đất san nền, trong đó 18 xã, phường có tài nguyên than với 9 đơn vị ngành than đang hoạt động. Trên địa bàn thành phố còn có 8 đơn vị khai thác sét và sản xuất vật liệu xây dựng gạch, ngói, 12 đơn vị khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng, 1 đơn vị chế biến cát lọc nước.

Ông Nguyễn Hữu Nhã, Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long cho biết, thời gian qua, địa phương đã làm việc với các đơn vị ngành Than và một số doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm dần hoạt động khai thác lộ thiên, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc khai thác đối với một số loại khoáng sản có tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, khuyến khích các xã vùng cao phát huy lợi thế xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên, kết hợp trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu quý cho giá trị kinh tế cao, từng bước nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS.

Cùng với đó, TP.Hạ Long tăng cường quản lý đất đai, xây dựng liên quan đến khai thác, chế biến, kinh doanh than, xử lý việc xuất lộ than tại các dự án, không để xảy ra tình trạng đào bới than trái phép. Qua đó, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là những xã có nhiều tài nguyên, khoáng sản, giúp bà con vùng đồng bào DTTS an tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Chia sẻ với PV, Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân, ông Phạm Văn Sáu cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, kiểm tra hàng tuần, hàng tháng và đột xuất để kịp thời phát hiện, nhờ vậy nhiều năm nay, không xảy ra việc đào bới than tái trên địa bàn. Đồng thời khuyến khích người dân tích cực phát triển trồng rừng, cây ăn quả, cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao, tạo ra việc làm và thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho bà con.

anh-qn-10(1).jpg
Người dân xã Tân Dân phát triển trồng cây ăn quả cho thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống

"Được chính quyền thường xuyên vận động không đào than, chặt gỗ rừng, nên nhiều năm nay gia đình tôi cũng như bà con trong thôn luôn nhắc nhở cùng nhau giữ rừng, không đào bới than, tập trung phát triển trồng rừng keo, trà hoa vàng, cây ăn quả, cho thu nhập ổn định, giúp đời sống của gia đình được cải thiện hơn so với trước", ông Triệu Sinh An, thôn Đồng Mùng, xã Tân Dân nói.

Nâng cao đời sống người dân

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh Ngọc Thái Hoàng, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định nhiệm vụ quản lý tài nguyên than, khoáng sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, do đó tỉnh đã xây dựng nhiều nghị quyết, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trưởng công an, bí thư, trưởng các thôn, khu, nếu để xảy ra khai thác than, khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Cùng với đó, công tác phổ biến tuyên truyền và tập huấn cơ chế luôn được quan tâm đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân và đội ngũ cán bộ làm công tác GPMB, góp phần đưa chính sách vào cuộc sống, hạn chế đơn thư, khiếu nại liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, đất đai.

Bên cạnh công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản, tỉnh Quảng Ninh còn có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ từ chương trình cho vay vốn, xây nhà, cấp đất ở, đất sản xuất giúp cho hàng nghìn trăm dân vùng đồng bào DTTS sinh sống ở những khu vực có khoáng sản ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

anh-qn-12(1).jpg
Công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản luôn được các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh kiểm soát chặt chẽ

Để thúc đẩy phát triển, nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, Quảng Ninh đã tiếp tục tạo đột phá trong việc tập trung, ưu tiên dành nguồn lực, trong 3 năm (2021- 2023) đã ưu tiên bố trí 2.633 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh cho Chương trình mục tiêu quôc gia giai đoạn 2021-2025.

Riêng trong năm 2023, Quảng Ninh đã triển khai chính sách hỗ trợ cho hơn 270 hộ gia đình có nhà tạm, dột nát với kinh phí hỗ trợ trên 19 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đây là chính sách quan trọng giúp cho hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn về đất ở, nhà ở được sống trong những căn nhà vững chắc, ổn định cuộc sống.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất đối với đồng bào vùng DTTS ở miền núi, biên giới, hải đảo, nhất là địa bàn các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định và từng bước nâng cao đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn. `

Với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không có những điểm phức tạp về khai thác than, khoáng sản trái phép, công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than, khoáng sản đã được kiểm soát, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ngành than ổn định sản xuất, cũng như người dân, nhất là người dân vùng DTTS sinh sống ở những khu vực có khoáng sản an tâm sản xuất, vươn lên trong cuộc sống- ông Ngọc Thái Hoàng cho biết thêm.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 590