Những điều cần biết để sử dụng điện an toàn trong nhân dân

Điện lực TP. Hạ Long quản lý vận hành 54 đường dây trung thế với tổng chiều dài là 644,18km; 2645,22 km đường dây hạ thế đi qua các phường, xã trên địa bàn thành phố Hạ Long. Việc quản lý vận hành cung cấp điện liên tục ổn định là cần thiết, đặc biệt việc đảm bảo về an toàn điện cho nhân dân trên địa bàn rất quan trọng.

rong những năm qua ngành điện đã cố gắng thực hiện đúng chức năng của đơn vị nhằm nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng, cung cấp điện ổn định phục vụ kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên trong quá trình quản lý vận hành lưới điện thời gian qua đã có một số trường hợp công trình xây dựng của nhân dân và các tổ chức vi phạm hành lang lưới điện cao áp. Mặt khác một số hộ dân trồng các loại cây phát triển nhanh trong và ngoài hành lang lưới điện cao áp, khi khai thác chặt tỉa hoặc khi giông lốc chạm, đổ vào đường dây mất an toàn cho người và gây sự cố lưới điện.

Ngành điện đã phối hợp với UBND các phường, xã, để tuyên truyền, vận động cho chặt tỉa cây đảm bảo an toàn, tuy nhiên một số người dân chưa thực sự quan tâm và tạo điều kiện để ngành điện chặt tỉa.

Để tránh xảy ra nguy cơ mất an toàn đến tính mạng con người và thiết bị do vi phạm hành lang lưới điện, vi phạm việc sử dụng điện trong nhân dân, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý một số điểm sau:

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT ĐỂ PHÒNG TRÁNH TAI NẠN ĐIỆN

1. Thường xuyên kiểm tra đường dây dẫn điện của mình từ công tơ điện về nhà, nếu phát hiện có hư hỏng hoặc điều gì bất thường, không được tự ý trèo lên cột điện sửa chữa, mắc điện. Hãy tìm gọi, báo cho người của đơn vị quản lý vận hành Điện lực huyện, thành phố theo số điện thoại đã ghi trong hoá đơn tiền điện khách hàng để kiểm tra, sửa chữa, hướng dẫn khắc phục.

2. Người không có nhiệm vụ không đến gần hoặc chạm vào tủ điện, trạm điện, cột điện, dây chằng néo, dây tiếp đất.

3. Không được đứng gần cột điện lúc trời mưa hoặc có giông, sét, không đến gần các thiết bị mang điện, không thả diều gần đường dây điện, không vi phạm các điều cấm về an toàn điện cao áp.

4. Khi mưa, bão có thể gây đứt dây, đổ cột điện tuyệt đối không được đến gần chỗ dây điện đứt, cột điện bị đổ và tự ý thu dọn khi chưa có ý kiến của người phụ trách điện thông báo đã cắt điện. Nếu thấy có cột điện đổ, dây bị đứt rơi xuống đất thì phải đứng cách xa ít nhất 10m, không được đến gần, cầm, nắm vào dây điện; Cử người canh gác ngăn ngừa không cho người khác (kể cả súc vật) đến gần. Đồng thời phải nhanh chóng báo cho người của đơn vị quản lý vận hành lưới điện để kịp thời cắt điện đảm bảo an toàn và khắc phục sự cố.

5. Cây cối gần đường dây điện có nguy cơ gãy, đổ khi gió bão ảnh hưởng đến công tác vận hành an toàn đường dây, cần chặt bỏ trước khi có bão đổ bộ vào.

6. Cột ăng ten, dây chằng cột ăng ten gần đường dây điện cần tháo hạ trước khi có bão.

7. Khi điện trong nhà bị hỏng bắt buộc phải cắt cầu dao, cầu chì điện chính rồi mới được sửa chữa chỗ hư hỏng.

8. Sử dụng các trang, thiết bị điện đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn điện, tiết kiệm điện.

9. Khi mạng điện của gia đình có nguy cơ bị ngập nước do lũ lụt phải cắt ngay cầu dao, cầu chì, Aptômat đầu nguồn điện vào nhà để đề phòng mạng điện bị ngập nước gây tai nạn chết người.

10. Không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền, bè trong vùng ngập lụt có đường dây điện sát gần với mặt nước để tránh điện phóng gây tai nạn.

11. Khi có người bị điện giật thì hô to gọi mọi người đến cứu. Nếu dây dẫn còn dính với nạn nhân thì phải nhanh chóng cắt nguồn điện bằng cách ngắt Aptômat, cầu dao, cầu chì hoặc rút phích cắm; nếu không có cầu dao, cầu chì, Aptômat, phích cắm thì dùng vật dụng có cách điện (như kìm cách điện, búa, rìu cán gỗ khô để chặt đứt dây dẫn trước, sau đó đưa nạn nhân ra chỗ thoáng mát (về mùa hè), ấm (về mùa đông) để cứu chữa. Tuyệt đối không được chạm vào nạn nhân khi chưa tách khỏi nguồn điện, nếu không người cứu sẽ bị điện giật.

12. Không đốt rừng, nương rẫy có thể gây sự cố đến lưới điện. Khi phát hiện được điểm cháy có khả năng ảnh hưởng đến lưới điện, phải nhanh chóng báo cho các cơ quan chức năng và ngành Điện nơi gần nhất để cắt điện đầu nguồn, xử lý an toàn.

CÁC HÀNH VI GÂY MẤT AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN BỊ NGHIÊM CẤM

1. Trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ.

2. Sử dụng công trình lưới điện cao áp vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp.

3. Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện.

4. Lắp đặt ăng ten thu phát sóng, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp.

5. Trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện.

6. Bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện hoặc quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện.

7. Đào đất gây lún sụt công trình lưới điện cao áp, trạm điện.

8. Đắp đất, xếp các loại vật liệu, thiết bị hoặc đổ phế thải vi phạm khoảng cách an toàn.

9. Sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác.

10. Nổ mìn, mở mỏ; xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất hóa học có khả năng gây ăn mòn hoặc hư hỏng các bộ phận của công trình lưới điện.

11. Đốt nương rẫy, sử dụng các phương tiện thi công gây chấn động hoặc có khả năng làm hư hỏng, sự cố công trình lưới điện, trạm điện, nhà máy điện.

12. Điều khiển các phương tiện bay có khoảng cách đến bộ phận gần nhất của công trình lưới điện cao áp nhỏ hơn 100 m, trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện được phép theo quy định.

13. Để cây đổ vào đường dây điện khi chặt tỉa cây hoặc lợi dụng việc bảo vệ, sửa chữa công trình lưới điện cao áp để chặt cây.

14. Các hành vi khác vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 339