Chủ động các biện pháp phòng chống bão số 7

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 6991/UBND-NLN3 (ngày 13/10) về việc chủ động các biện pháp phòng chống bão số 7 (NANGKA).

 

Theo Công văn, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 1393/CĐ/TTg ngày 12/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó bão số 7; Công điện số 24/CĐ-TW ngày 11/10/2020 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Trong đó, tập trung vào một số nội dung: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, báo cáo thường xuyên tình hình về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND các địa phương ven biển nắm lại số tàu thuyền (đặc biệt là tàu xa bờ); thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa chủ động theo dõi mực nước hồ, thực hiện điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa.

UBND các địa phương (đặc biệt các địa phương ven biển): Tổ chức thông tin cho nhân dân biết về diễn biến bão. Chỉ đạo gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nắm lại số người đang có mặt trên các vùng nuôi trồng thủy sản để sẵn sàng sơ tán khi có tình huống xảy ra. Rà soát cụ thể từng địa bàn dân cư để sẵn sàng phương án di chuyển dân về nơi an toàn khi cần. Thông báo cho các khu vui chơi, các công trình đang xây dựng trên địa bàn biết thông tin bão để có các giải pháp ứng phó thích hợp. Phối hợp với các Công ty TNHH 1TV Thủy lợi trong việc điều tiết, vận hành an toàn công trình thủy lợi khi mưa lớn kéo dài. Tổ chức trực canh 24/24 giờ tại các ngầm tràn, đường giao thông bị ngập lụt, sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại khi có lũ.

Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo Cảng vụ nội địa rà soát, nắm bắt số lượng tàu du lịch, sẵn sàng thực hiện cấm biển khi có yêu cầu; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh trú tại các bến, khu neo đậu. Chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn tại các tuyến giao thông (đường tràn, đường cao tốc, cầu Bãi Cháy, Bạch Đằng...) với gió mạnh và mưa hoàn lưu sau bão; phối hợp với Sở Du lịch về việc thông báo cho khách du lịch thông tin về bão.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, đảm bảo triển khai khi có yêu cầu. Lực lượng Biên phòng sẵn sàng tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú khi bão hướng về vùng biển tỉnh. Công an tỉnh rà soát các phương án đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trước, trong và sau bão.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc rà soát, đánh giá lại phương án phòng chống thiên tai đối với các khu vực khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở khi có mưa lớn trên địa bàn.

Các Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Thủy lợi: Tổ chức trực ban, theo dõi tình hình thời tiết, mực nước hồ để chủ động điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa trong trường hợp có mưa lớn kéo dài.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; thực hiện việc tổng hợp và báo cáo kịp thời, thường xuyên kết quả triển khai và biện pháp ứng phó với bão về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh.

PV

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 588