BHXH tự nguyện - Vì hạnh phúc của người dân

BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội, tạo thuận lợi cho lao động tự do, nông dân, người có công việc thiếu ổn định, thu nhập thấp... được tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện khi hết tuổi lao động và đủ thời gian đóng theo quy định sẽ được hưởng lương hưu, được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe bản thân.

 


Cán bộ BHXH tỉnh tuyên truyền, vận động tiểu thương kinh doanh tại chợ Hạ Long 1 (TP Hạ Long) tham gia BHXH tự nguyện.

Bà Nguyễn Thị Đào (57 tuổi) ở khu Vạn Yên, phường Việt Hưng, TP Hạ Long, đến điểm bưu điện văn hóa phường để hỏi về chính sách BHXH tự nguyện. Bà Đào cho biết: Là nông dân, không biết nhiều thông tin về chế độ BHXH tự nguyện của Nhà nước, đến đây tôi được cán bộ bưu điện giải thích mức đóng, mức hưởng, thời gian hưởng, nên quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Mỗi tháng tôi bỏ ra số tiền 341.000 đồng đóng ở mức lương 1,7 triệu đồng/tháng.

Không chỉ các điểm bưu điện văn hóa xã, phường, mà Bưu điện TP Hạ Long thường xuyên phối hợp cùng BHXH tỉnh triển khai tuyên truyền, vận động tại khu dân cư, chợ dân sinh trên địa bàn thành phố. Chị Lương Thị Quyên (46 tuổi) ở khu 5, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long có 20 năm kinh doanh tại chợ Hạ Long 1, hôm nay được nhận sổ BHXH do cơ quan BHXH và Bưu điện TP Hạ Long trao tận tay. Chị Quyên chia sẻ: Nhận thấy việc tham gia BHXH tự nguyện rất cần thiết với bản thân nên tôi đã tham gia, đến nay được 5 tháng. Tôi thấy việc tham gia BHXH tự nguyện rất tốt, nhất là khi bản thân về già và không còn khả năng lao động.

Được biết, trong năm 2022, Bưu điện TP Hạ Long được giao phát triển 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến hết tháng 10/2022, số người tham gia BHXH tự nguyện của Bưu điện TP Hạ Long đã đạt 75% kế hoạch đề ra.

Thời gian qua, chính sách BHXH tự nguyện luôn được Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo, hằng năm BHXH tỉnh triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 10/2022, số người tham gia BHXH tự nguyện toàn tỉnh là 21.480 người, giảm 758 người so với thời điểm 31/12/2021.

Nguyên nhân phát triển BHXH tự nguyện đạt thấp là do từ ngày 1/1/2022, mức chuẩn hộ nghèo đa chiều ở khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng/tháng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Đồng nghĩa với việc mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng tăng theo, từ 138.000 đồng/tháng lên 297.000 đồng/tháng (đã trừ 10% hỗ trợ của Nhà nước với hộ không thuộc hộ nghèo và cận nghèo). Trong khi thời gian tham gia để hưởng lương hưu tối thiểu phải đủ 20 năm với điều kiện người tham gia phải hết tuổi lao động, nên chưa thu hút người tham gia BHXH tự nguyện; đại dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, nên người dân tiết kiệm chi tiêu...

Để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH cấp huyện phối hợp với các cấp chính quyền tăng cường rà soát đối tượng chưa tham gia BHXH để triển khai giải pháp tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện.

BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ngày 4/11/2022, tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIV, thông qua nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2027.


Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027. Ảnh: Đỗ Phương

Theo đó, từ ngày 1/1/2023 tỉnh sẽ hỗ trợ các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bằng 30% mức đóng hằng tháng đối với hộ nghèo và cận nghèo; 20% đối với các đối tượng khác. Như vậy, cùng với chính sách chung, sau khi có thêm hỗ trợ của tỉnh thì người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 60% đối với hộ nghèo; 55% hộ cận nghèo; các đối tượng khác được hỗ trợ 30% mức đóng hằng tháng.

Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lê Đình Tuấn, việc hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện của Quảng Ninh giúp người lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, nông dân được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và tỉnh. Điều này góp phần tăng tỷ lệ người tham gia BHXH, giảm số lượng người hưởng BHXH 1 lần, tạo động lực để người có thu nhập thấp tham gia BHXH tự nguyện, thúc đẩy phát triển KT-XH, chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân, đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.

Dương Trường

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 584