Bệnh đau mắt đỏ, dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng tránh

Bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

1. Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Bệnh đau mắt đỏ hay còn được gọi là viêm kết mạc cấp, là bệnh phổ biến ở mắt khi lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng mắt) và kết mạc mi bị viêm nhiễm. Nguyên nhân thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng. Bệnh thường khởi phát đột ngột, rất dễ mắc, dễ lây lan từ người này sang người khác và gây thành dịch đặc biệt với tác nhân là vi rút.

2. Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ

Người bệnh đau mắt đỏ thường có các triệu chứng rất điển hình như: đỏ mắt, ngứa mắt, mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt, cảm giác có cộm trong mắt, mi mắt đau nhức, sưng nề. Một số người bệnh còn có thể xuất hiện các triệu chứng đau họng, ho, nổi hạch sau tai, mệt mỏi, sốt nhẹ…

3. Ai có thể mắc đau mắt đỏ?

Tất cả trẻ em và người lớn đều có thể bị bệnh đau mắt đỏ. Đặc biệt nếu bệnh do nguyên nhân là vi rút (Adeno, Entero…) dễ lây lan thành dịch. Bệnh xảy ra quanh năm, nhất là giai đoạn chuyển từ mùa hè sang mùa thu.

4. Bệnh đau mắt đỏ lây truyền theo đường nào?

Bệnh có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh trong lúc nói chuyện, hắt hơi hoặc khi chạm tay vào dịch tiết nhiễm mầm bệnh dính trên vật dụng hay đồ dùng cá nhân như điện thoại, nút bấm cầu thang máy, chìa khóa, tay nắm cửa, gối, khăn mặt, bàn chải, đồ chơi… và đưa tay lên dụi mắt, sờ tay vào mũi, miệng. Ngoài ra có thể gặp phải khi tắm ở ao hồ, bể bơi… có chứa mầm bệnh.

5. Các biện pháp phòng tránh bệnh đau mắt đỏ

5.1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.

5.2. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.

5.3. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

5.4. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

5.5. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

5.6. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

5.7. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

5.8. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 166